https://benhvienhatrung.vn/wp-content/uploads/2021/08/1-3.png

.

.

1.Đại cương:

1.1. Ruột thừa

Ruột thừa là một đoạn ruột nhỏ, dạng túi cùng, hẹp và dài vài centimet dính vào manh tràng. Ruột thừa nằm ở phần bụng dưới bên phải, nơi nối tiếp giữa ruột non và ruột già. Chức năng ruột thừa trong cơ thể chưa được xác định.

1.2. Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm. Sự tắc nghẽn trong lòng ống ruột thừa dẫn đến nhiễm trùng rất có thể là nguyên nhân gây ra viêm ruột thừa. Vi khuẩn nhân lên nhanh chóng, làm cho ruột thừa bị viêm, sưng và chứa đầy mủ. Nếu không được nhanh chóng điều trị, ruột thừa có thể bị vỡ.

Viêm ruột thừa là tình trạng cấp cứu vùng bụng thường gặp nhất ở trẻ em và thanh niên. Cứ 15 người thì có một người bị viêm ruột thừa.

.

https://benhvienhatrung.vn/wp-content/uploads/2021/08/1-3.png

.

2.Các triệu chứng của viêm ruột thừa

Triệu chứng đặc trưng của viêm ruột thừa là cơn đau bắt đầu xung quanh hoặc trên rốn. Cơn đau có thể nặng hoặc chỉ đau nhẹ và gây khó chịu, và sau đó di chuyển đến vùng góc dưới phải bụng. Ở đó, cơn đau trở nên liên tục và gia tăng nhiều hơn và thường gia tăng khi cử động, ho, v.v. Bụng thường co cứng và đau khi sờ vào.

Chán ăn là tình trạng rất phổ biến. Buồn nôn và ói mửa có thể xảy ra trong khoảng nửa số trường hợp bị viêm ruột thừa và đôi khi có táo bón hoặc tiêu chảy. Lưỡi bẩn, hơi thở có mùi hôi là dấu hiệu của nhiễm trùng. Ở giai đoạn muộn khi ruột thừa vỡ xuất hiện bụng chướng. Thân nhiệt  có thể bình thường hoặc tăng nhẹ. Sốt cao có thể là dấu hiệu cho thấy ruột thừa đã bị vỡ.

Chuỗi các triệu chứng điển hình xuất hiện trong khoảng 50% các trường hợp bị viêm ruột thừa. Một nửa số trường hợp còn lại, có thể  thấy các dấu hiệu ít điển hình hơn, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai, bệnh nhân cao tuổi hoặc ở trẻ nhũ nhi. Ở phụ nữ mang thai, dấu hiệu viêm ruột thừa dễ bị che lấp bởi các triệu chứng thông thường như bị đau bụng nhẹ và bị buồn nôn từ những nguyên nhân khác. Các bệnh nhân cao tuổi có thể cảm thấy ít đau bụng và ít đau khi chạm vào hơn hầu hết các bệnh nhân khác, vì vậy việc chẩn đoán và điều trị sẽ bị trì hoãn, dẫn đến vỡ ruột thừa ở 30% các trường hợp. Trẻ nhũ nhi và trẻ em nhỏ thường hay bị tiêu chảy, nôn và sốt đồng thời với đau bụng.

3.Chẩn đoán viêm ruột thừa

Để chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về quá trình xuất hiện và diễn tiến của các triệu chứng và thăm khám vùng bụng của bệnh nhân.

Các xét nghiệm và thủ thuật được áp dụng để chẩn đoán viêm ruột thừa bao gồm:

Thăm khám để đánh giá cơn đau của bệnh nhân: bác sĩ có thể nhẹ nhàng ấn vào chỗ đau. Khi đột ngột thả tay ấn ra, cảm giác đau do viêm ruột thừa thường tăng nhiều hơn, đây là dấu hiệu cho thấy phúc mạc vùng lân cận đã bị viêm. Bác sĩ cũng có thể thấy tình trạng gồng cứng bụng và khuynh hướng co cứng cơ thành bụng để phản ứng với lực ấn vào vùng ruột thừa bị viêm (phản ứng thành bụng)

Bác sĩ có thể dùng ngón tay đeo găng và chất bôi trơn để thăm khám trực tràng (thăm khám trực tràng bằng ngón tay). Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể được thăm khám vùng chậu để kiểm tra các vấn đề phụ khoa có thể là nguyên nhân gây đau bụng

Xét nghiệm máu: Việc xét nghiệm máu giúp bác sĩ kiểm tra số lượng bạch cầu cao, dấu hiệu của nhiễm trùng

Xét nghiệm nước tiểu: bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm xét nghiệm nước tiểu để xác định đau bụng không phải do nhiễm trùng đường niệu hoặc do sỏi thận.

Chẩn đoán bằng hình ảnh: bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân chụp X-quang bụng, siêu âm bụng hoặc chụp cắt lớp điện toán (CT) để giúp xác định viêm ruột thừa hoặc phát hiện nguyên nhân khác gây đau bụng

4.Biến chứng của viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như sau:

Vỡ ruột thừa: làm nhiễm trùng lây lan khắp bụng (viêm phúc mạc). Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng, bệnh nhân cần phẫu thuật cấp thời để cắt bỏ ruột thừa và làm sạch khoang bụng.

Hình thành túi mủ trong ổ bụng: Nếu ruột thừa vỡ, có thể sẽ hình thành túi nhiễm trùng (áp xe). Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ phẫu thuật sẽ dẫn lưu mủ ra ngoài bằng cách đặt một ống thông qua thành bụng vào đến ổ áp xe. Ống thông dẫn lưu này được để lại tại chỗ trong hai tuần và bệnh nhân sẽ dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Khi nhiễm trùng đã được điều trị khỏi, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để cắt bỏ ruột thừa. Trong một số trường hợp, áp xe được dẫn lưu ra ngoài và ruột thừa được cắt bỏ ngay lúc đó.

5.Phương pháp điều trị viêm ruột thừa

Điều trị viêm ruột thừa thông thường  bằng  phẫu thuật để cắt bỏ ruột thừa bị viêm. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được điều trị bằng kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.

5.1. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa có thể là cuộc phẫu thuật hở được thực hiện bằng cách rạch da vùng bụng dài từ 5 đến 10 centimet (phẫu thuật mở bụng). Hoặc phẫu thuật thông qua một vài vết rạch da nhỏ ở bụng (phẫu thuật nội soi bụng). Trong quá trình phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa, bác sĩ phẫu thuật đưa vào ổ bụng của bệnh nhân một ống quang video ghi hình và những thiết bị chuyên dùng để cắt bỏ ruột thừa.

Thông thường, phẫu thuật nội soi sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, vết thương ít đau và ít để lại sẹo. Phương pháp này có thể tốt hơn cho bệnh nhân cao tuổi hoặc béo phì. Nhưng phẫu thuật nội soi không phải thích hợp cho tất cả mọi người. Nếu ruột thừa đã bị vỡ và nhiễm trùng đã lan ra ngoài ruột thừa hoặc đã có áp xe, bệnh nhân có thể được phẫu thuật mở bụng để cắt bỏ ruột thừa và làm sạch khoang bụng.

Bệnh nhân sẽ nằm viện hai hoặc ba ngày sau khi được phẫu thuật cắt ruột thừa.

.

http://www.fvhospital.com/wp-content/uploads/2017/03/ms-PEM-GeneralSurgery-APPENDICITIS-02-VN-e1490597186509.jpg

.

5.2. Dẫn lưu áp xe trước khi phẫu thuật cắt ruột thừa

Nếu ruột thừa bị vỡ và áp xe đã hình thành quanh ruột thừa, ống dẫn lưu sẽ được đặt thông qua thành bụng đến ổ áp xe để dẫn mủ ra ngoài. Phẫu thuật cắt ruột thừa có thể được thực hiện vài tuần sau khi đã kiểm soát ổn định nhiễm trùng

5.3. Điều trị không phẫu thuật

Nếu bệnh nhân chỉ có một vài triệu chứng viêm ruột thừa và bác sĩ phẫu thuật xét thấy bệnh nhân không cần phẫu thuật ngay lập tức và có thể được điều trị bằng kháng sinh để theo dõi diễn tiến cải thiện. Trong trường hợp viêm ruột thừa không phức tạp, điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể có hiệu quả nhưng bệnh lại có khả năng tái phát.

5.4. Những biến chứng của phẫu thuật cắt ruột thừa

Thông thường bệnh nhân có thể nằm viện từ 2 đến 3 ngày sau phẫu thuật nội soi, và nằm viện lâu hơn nếu bệnh nhân  phẫu thuật mở bụng hoặc nếu ruột thừa của bệnh nhân đã bị vỡ. Vết sẹo sẽ liền lại trong khoảng từ 4 đến 6 tuần và sẽ trở nên mềm mạihơn và sẽ nhạt dần trong năm tiếp theo.

Nhiễm trùng xảy ra ở 2-4% các trường hợp phẫu thuật cắt ruột thừa, có thể là nhiễm trùng vết mổ hoặc hình thành áp xe trong ổ bụng (mủ tích tụ nơi vùng ruột thừa).

Những biến chứng khác có thể xảy ra như tình trạng tạo cục máu đông, vấn đề tim mạch, khó thở; tình trạng này thấy rõ hơn ở những bệnh nhân hút thuốc, béo phì hoặc những người có các bệnh khác như đái tháo đường (tiểu đường), suy tim, suy thận hoặc bệnh phổi dễ gặp hơn. Vết thương cũng có thể hồi phục kém hơn ở những người hút thuốc.

6. Chú ý giai đoạn sau phẫu thuật viêm ruột thừa

6.1. Chế độ sinh hoạt và sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật, bệnh nhân nên vận động nhẹ nhàng, không bưng bê vật nặng hoặc tham gia các hoạt động gắng sức.

Trong trường hợp ruột thừa chưa bị vỡ, trẻ có thể đi học lại sau phẫu thuật 2-3 ngày. Nếu ruột thừa đã bị vỡ, trẻ có thể đi học lại sau phẫu thuật 2 tuần. Hầu hết trẻ em có thể tiếp tục tham gia hoạt động thể thao sau 1 tuần phẫu thuật.

Rửa vết mổ nhẹ nhàng, tránh dùng bột hoặc kem thoa lên vết mổ.

Không tắm bồn, không tham gia các hoạt động dưới nước trong 1 tháng cho tới khi vết mổ lành hẳn.

Mặc quần áo thoải mái, tránh đồ bó sát vì có thể gây kích ứng da quanh vị trí vết mổ.

Bảo vệ bụng khi ho bằng cách đặt một cái gối trước bụng, đè vào khi ho, cười hoặc xoay người để giảm đau.

Có thể leo cầu thang, đi bộ,… để tập luyện sau phẫu thuật viêm ruột thừa cấp.

6.2. Chế độ ăn uống

Sau khi mổ cần chia bữa ăn thành nhiều phần nhỏ trong ngày: 6 – 8 bữa/ngày.

Quay về chế độ ăn như cũ theo tư vấn của bác sĩ ở thời điểm phù hợp.

Uống nhiều nước và thức uống không chứa caffeine, tránh thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ,… để tránh táo bón sau phẫu thuật.

6.2.1. Những thực phẩm nên ăn

Thực phẩm dễ tiêu hóa

Người vừa mổ ruột thừa xong thì thức ăn dễ tiêu hóa là lựa chọn tốt nhất. Đây cũng là nhóm thực phẩm được các bác sĩ khuyên dùng nhiều nhất cho bệnh nhân mổ ruột thừa trong quá trình hồi phục. Những thực phẩm này gồm súp, cháo, cơm nhão, sữa chua, canh, khoai tây.

Điều này sẽ tốt cho hệ tiêu hóa vốn đang yếu ớt và nhạy cảm sau cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý khi chế biến nên nêm ít gia vị hơn bình thường để không gây áp lực nặng nề lên hệ tiêu hóa. Hơn nữa, những món ăn này tuy cung cấp canxi, protein nhưng hàm lượng không cao và ít các chất khác như vitamin, sắt… Do đó, bạn chỉ nên ăn trong khoảng thời gian ban đầu, khi vết thương đã lành hơn thì bạn cần thay đổi chế độ ăn uống để bổ sung nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Giàu vitamin tự nhiên

Vitamin A và Kẽm sẽ giúp hạn chế tình trạng nhiễm trùng ở vết thương. Một loại vitamin có khả năng chống Oxy hóa rất tốt chính là vitamin C – sẽ giúp cho vết thương nhanh hồi phục hơn, beta-caroten cũng đảm nhiệm chức năng này. Và vitamin E lại giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại, những vitamin trên đều tốt cho hệ miễn dịch của người bệnh. Rau ngót, khoai lang, bí đỏ, cà rốt, cam và đu đủ,… là những thực phẩm chứa giàu vitamin.

Ăn nhiều đạm, giàu chất béo

Các acid amin từ protein sẽ liên quan đến việc tái tạo mô liên kết và chữa lành vết thương. Bên cạnh thịt nạc, cá biển – thì các loại đậu xanh, đậu đen, đỏ và nành cũng là những thực phẩm lành tính, giàu protein. Dầu cá, dầu olive, bơ là những thực phẩm giàu acid béo omega-3 giúp đông máu, cung cấp năng lượng và đáp ứng miễn dịch.

Bổ sung chất xơ và nước

Với những người phải mổ ruột thừa thì rất hạn chế việc tác động lên vùng bụng. Điều này có thể khiến vết thương bị đau, lâu lành cũng như ảnh hưởng đến đường tiêu hóa. Lúc này, bổ sung nước và chất xơ sẽ giúp kích thích nhu động ruột. Theo đó, nên uống từ 10 đến 12 cốc nước tinh khiết tự nhiên để hỗ trợ làm mềm thức ăn và phân để ruột hoạt động dễ dàng hơn. Thức ăn giàu chất xơ gồm có các loại củ quả như lê, bơ, táo, chuối, cà rốt, củ cải, đậu, khoai lang

Chất xơ không hòa tan

6.2.2. Những thực phẩm nên tránh

Những thực phẩm chứa nhiều đường: Bánh kẹo, mứt, kem và nước ngọt,… là những cái tên phải lưu ý khi sử dụng, việc hấp thụ quá nhiều đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển dẫn đến nguy cơ bị nhiễm trùng ở vết thương vừa phẫu thuật. Tình trạng tiêu chảy có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Sữa và các sản phẩm từ sữa (trừ sữa chua): Với thói quen của nhiều người, gửi tặng sữa là một món quà tất yếu khi đến thăm hỏi bệnh. Và nếu cơ thể người bệnh hấp thu nhiều sữa sẽ làm kết thành mảng dày trên niêm mạc ruột, gây ra nhiều độc tố. Riêng sữa chua với nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa, bệnh nhân được khuyên nên sử dụng.

Các loại thực phẩm giàu chất béo: Thực phẩm chế biến sẵn, các món ăn với nhiều dầu mỡ là những loại thường rất khó trong việc tiêu hóa. Chính vì thế, hệ tiêu hóa sẽ phải cố gắng hoạt động dẫn đến nguy cơ bệnh nhân bị tiêu chảy. Cũng như có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở vết thương phẫu thuật và viêm loét.

Thực phẩm dạng cứng: Các loại hạt, trái cây khô, bánh mì,… sẽ khiến bệnh nhân cần nhiều thời gian phân giải trong dạ dày gây ảnh hưởng đến vết thương.

Các chất kích thích: Nếu muốn vết thương của bạn không bị nhiễm trùng và mau hồi phục – hãy tuyệt đối nói không với chất kích thích.

.

Cảnh báo: Thức ăn nhanh góp phần làm trầm cảm tuổi teen | VTV.VN

.

6.3. Khi nào nên liên lạc với bác sĩ?

Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi có các triệu chứng sau mổ dưới đây:

Sốt cao trên 38 độ C, có thể ho hoặc không. Đây là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng phổi hoặc tình trạng nhiễm trùng ổ bụng.

Nhịp tim tăng cao trên 100 nhịp/phút.

Đau ngực, khó thở đột ngột.

Đau bụng nhiều hơn hoặc cảm thấy khó chịu.

Vết mổ sưng đỏ quá mức hoặc chảy dịch.

Vết mổ bị hở miệng.

Sưng chân và đau bắp chân do hình thành cục máu đông ở chân.

Buồn nôn, nôn, ớn lạnh, đổ mồ hôi nhiều.

Tiêu chảy liên tục kèm theo sốt (dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột).

Táo bón.

Không có khả năng đi vệ sinh hoặc bàng quang trống.

Sau phẫu thuật viêm ruột thừa cấp, bệnh nhân cần tái khám sau khoảng 2 tuần kể từ khi xuất viện. Người bệnh nên sắp xếp tái khám đúng thời điểm để được thăm khám và hỗ trợ tốt nhất.

6.Phòng bệnh

Xây dựng được chế độ ăn uống hợp lý: Chế độ ăn uống cần được thiết lập lại, ăn chậm, nhai kỹ, ăn lỏng dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, tránh ăn các loại thức ăn có chứa nhiều chất xơ không hòa tan như măng, rau nhút, mướp…và các loại hoa quả có chứa nhiều Tanin như ổi, hồng…Những chất này sẽ có thể kết dính với nhau và tạo nên bã, gây tắc ruột sau này.

+ Rau củ tươi: loại rau có màu xanh sẫm, đặc biệt những loại rau họ cải không những bổ sung các chất dưỡng cần thiết cho cơ thể mà khi ăn nhiều rau xanh cũng sẽ có tác dụng phòng bệnh viêm ruột thừa rất tốt. Ngoài ra, bạn cũng nên ăn các loại đậu, khoai tây, cà rốt, củ cải…

+ Các thực phẩm chứa nhiều tinh bột: Những loại thực phẩm như khoai, các loại ngũ cốc luôn chứa hàm lượng tinh bột rất lớn, khi ăn những loại thực phẩm này nó sẽ giúp cho hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh.

+ Trái cây: Những loại quả như mâm xôi, việt quất, táo, lê, chuối… chứa thành phần chất xơ rất cao, chúng có tác dụng làm sạch tạp chất, giúp nhuận tràng, làm giảm nguy cơ bị viêm nhiễm ruột thừa. Do đó, đây cũng chính là một trong những cách làm giảm nguy cơ bị viêm ruột thừa hiệu quả.

+ Sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng chống viêm nhiễm: Những loại thực phẩm có khả năng kháng viêm: nghệ, tỏi, chanh, húng quế, gừng…

+ Uống lượng nước đủ trong ngày: theo khuyến cáo 40ml/kg/24h

+ Tái khám nếu có dấu hiệu bất thường: đau bụng, bí trung đại tiện…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1: https://benhvienhatrung.vn/cham-soc-nguoi-benh-sau-mo-cat-ruot-thua-viem/

2: http://www.benhvien103.vn/viem-ruot-thua-cap/

3. https://www.fvhospital.com/ban-can-biet/viem-ruot-thua/

  4. https://www.vinmec.com/vi/tieu-hoa-gan-mat/thong-tin-suc-khoe/chan-doan-va-dieu-tri-viem-ruot-thua-cap/

  5. https://www.vinmec.com/vi/tieu-hoa-gan-mat/thong-tin-suc-khoe/che-do-dinh-duong-uong-sau-mo-viem-ruot-thua/

  6. https://cih.com.vn/khoa-noi-khoa-ngoai/946-dinh-duong-sau-phau-thuat-noi-soi-ruot-thua.html#:~:text=Nh%E1%BB%AFng%20th%E1%BB%B1c%20ph%E1%BA%A9m%20d%E1%BB%85%20ti%C3%AAu,%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng%20ru%E1%BB%99t%20c%E1%BB%A7a%20ch%C3%BAng%20ta.

  7. https://healthvietnam.vn/thu-vien/tai-lieu-tieng-viet/phau-thuat-bung/viem-ruot-thua-cap.