1. Đại cương:
Gãy xương là sự phá hủy đột ngột các cấu trúc bên trong của xương gây ra các tổn thương và làm gián đoạn về truyền lực qua xương. Nói cách khác, xương mất tính liên tục và hoàn chỉnh do ngoại lực gây nên. Mất tính liên tục hoàn toàn gọi là gãy xương hoàn toàn, mất tính liên tục không hoàn toàn gọi là gãy xương không hoàn toàn.
2. Nguyên nhân
Gãy xương do chấn thương: Gãy xương xảy ra sau tác động của một lực chấn thương như ngã, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt hoặc chơi thể thao.
Gãy xương do bệnh lý: Một số bệnh lý như u xương, viêm tủy xương, lao xương, loãng xương gây phá hủy xương, giảm mật độ xương làm xương yếu và dễ gãy.
3. Đối tượng có nguy cơ cao:
Gãy xương gặp ở các mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Nguy cơ gãy xương phụ thuộc một phần vào lứa tuổi. Ở trẻ em, gãy xương thường xảy ra tuy nhiên ít phức tạp hơn so với người lớn. Ở người già, xương bị lão hóa trở nên giòn, dễ gãy nhất là khi ngã.
4. Triệu chứng:
Các triệu chứng thường gặp của gãy xương bao gồm:
– Sau khi bị chấn thương, xương bị biến dạng tại vị trí tổn thương.
– Xuất hiện vết bầm tím ở khu vực chấn thương.
– Sưng và đau xung quanh vùng chấn thương. Đau trong gãy xương tăng lên khi cố gắng vận động hoặc do bị tác động vào vị trí chấn thương.
– Mất chức năng ở vùng bị thương.
– Trong gãy xương hở, xương đâm xuyên qua và nhô ra khỏi da.
5. Biến chứng:
5.1. Biến chứng sớm
5.1.1. Toàn thân
+ Shock: do đau, do mất máu,…
+ Thuyên tắc phổi do mỡ: xảy ra trong 72 giờ sau chấn thương, do sự xuất hiện những hạt mỡ nhỏ trong máu (palmitin và stearine ở trẻ em, olein ở người lớn) đi vào nhu mô phổi và tuần hoàn ngoại vi khi xương dài bị gãy. Nó thường khởi phát trong 24 đến 48 giờ nhưng đôi khi có thể xuất hiện muộn sau nhiều ngày. Đây là một biến chứng đáng sợ thường gặp ở bệnh nhân gãy nhiều xương, gãy xương lớn, gãy xương chậu, tổn thương nhiều cơ quan như lồng ngực, bụng, đầu, …Thuyên tắc mỡ gặp khoảng 10 đến 45% ở bệnh nhân gãy nhiều xương và là nguyên nhân hàng đầu gây nên mức độ nguy kịch và tỷ lệ tử vong cao (11%) ở bệnh nhân gãy nhiều xương và đa chấn thương.
5.1.2. Tại chổ:
+ Chèn ép khoang là sự tăng áp lực trong khoang kín (khoang này được tạo ra bởi xương, cân, vách gian cơ), hậu quả của những tổn thương mạch máu và có thể do tổn thương không hồi phục của những cấu trúc bên trong khoang. Hội chứng chèn ép khoang thường gặp ở cẳng chân, cẳng tay, bàn chân, …
+ Gãy kín thành gãy hở, tổn thương mạch máu và thần kinh thứ phát do cố định không vững: đầu xương gãy xé phần mềm ra môi trường bên ngoài, cắt vào mạch máu và thần kinh, …
5.2. Biến chứng muộn
5.2.1. Toàn thân: loét điểm tì, viêm phổi, viêm đường niệu, …
5.2.2. Tại chổ
+ Can xương lệch do nắn chỉnh không đúng trục, di lệch thứ phát sau nắn chỉnh và cố định, …
+ Chậm liền xương: can xương chưa liền sau một thời gian đủ để liền xương (3 tháng). Tại chổ gãy vẫn còn đau, thường do bất động không tốt, hay gặp ở người già.
+ Khớp giả: quá hai lần thời gian liền xương thông thường mà ổ gãy không liền, bệnh nhân còn đau ít hoặc không đau, còn cử động bất thường tại ổ gãy. Khớp giả thường gặp ở bệnh nhân bị gãy xương phức tạp, mất nhiều xương, ổ gãy di lệch nhiều, chèn phần mềm vào giữa ổ gãy, …
+ Teo cơ, cứng khớp, loãng xương do bất động lâu, không tập luyện,…
6. Điều trị:
Nguyên tắc điều trị gãy xương: Đưa các mảnh xương vỡ về đúng vị trí và ngăn di lệch ra khỏi chỗ cho đến khi lành. Việc điều trị gãy xương cần được điều trị hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh cần tới các cơ sở y tế để được điều trị và theo dõi tình trạng bệnh giúp cho việc điều trị đạt kết quả tốt.
Các biện pháp điều trị bao gồm:
– Bó bột cố định, nẹp cố định: Giúp cho xương gãy ở vị trí thích hợp trong khi vết thương tự lành.
– Phẫu thuật: Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để điều trị gãy xương.
7. Phòng bệnh:
– Tăng cường sức mạnh của xương. Hãy bổ sung vào chế độ ăn uống những loại thực phẩm giàu canxi, chẳng hạn như sữa, sữa chua và phô mai, để giúp xương chắc khỏe. Hãy đảm bảo cung cấp đủ từ 1200 đến 1500mg canxi mỗi ngày.
– Mang giày thể thao phù hợp. Chọn giày có kích thước phù hợp khi chơi thể thao hoặc vận động thể chất. Nên lưu ý thay giày thường xuyên nếu gót bị mòn hoặc cảm thấy không thoải mái khi mang.
– Mang đồ bảo hộ. Nhằm bảo vệ bạn khỏi những nguyên nhân gãy xương thường gặp nhất. Hãy sử dụng mũ bảo hiểm, miếng đệm khuỷu tay, miếng đệm đầu gối, miếng bảo vệ cổ tay và miếng đệm ống chân khi trượt tuyết, đạp xe đạp, trượt patin và tham gia các môn thể thao nguy hiểm.
– Phòng tránh té ngã. Không đứng trên cao hoặc trên bề mặt không chắc chắn. Loại bỏ thảm dễ trơn trượt và dây điện khỏi bề mặt sàn. Sử dụng tay vịn cầu thang và thảm không trượt trong bồn tắm để phòng tránh té ngã, đặc biệt là khi trong gia đình có trẻ em, người lớn tuổi.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
2. https://www.vinmec.com/vi/benh/gay-xuong-3602/
3.https://hellobacsi.com/benh-co-xuong-khop/ran-xuong-gay-xuong/nguyen-nhan-gay-xuong/ao-co-nguy-hiem-khong-s67-n26197.